Chiêu mộ bằng tin nhắn giới thiệu việc làm
Chị Lê Thị Mỹ (41 tuổi, ngụ Q.Bình Tân, TPHCM) cho biết, một tháng qua, mỗi ngày chị nhận được khoảng 10 tin nhắn quảng cáo “việc nhẹ lương cao” từ các số điện thoại khác nhau, trong đó số 0564xxxx221 nhắn hơn 30 tin với nội dung: “Xin chào, tôi là trưởng phòng nhân sự, hiện công ty đang tuyển nhân viên làm việc bán thời gian. Tiền lương được trả trong ngày. Bạn có thể làm việc tại nhà và kiếm từ 15 đến 30 triệu đồng mỗi tháng. Công việc rất đơn giản, có thể thực hiện mọi lúc, mọi nơi…”.
Một đối tượng dùng chiêu tuyển cộng tác viên “việc nhẹ lương cao” để lừa 6.000 người mới vừa bị công an bắt giữ
Theo chị Mỹ, điều khó hiểu là khi chị gọi lại thì số thuê bao nói trên không nghe máy mà chỉ yêu cầu kết bạn Zalo. Qua trao đổi, những người này cho biết, họ thuộc bộ phận tuyển dụng của một sàn thương mại điện tử uy tín. Họ đang tìm kiếm cộng tác viên để mở rộng kinh doanh. Nếu được tuyển dụng, cộng tác viên sẽ được chia hoa hồng trên sản phẩm, dễ dàng kiếm thu nhập tiền triệu mỗi ngày.
“Sau khi trao đổi, họ yêu cầu tôi đóng 200.000 đồng vào tài khoản của một người để kích hoạt đơn hàng đầu tiên. Nghĩ đây là trò lừa nên tôi không làm theo. Nhưng ngày nào họ cũng nhắn tin chào mời làm việc kiểu như trên. Tôi chặn số này thì số khác lại nhắn tin” – chị Mỹ kể.
Không cảnh giác như chị Mỹ nên bạn T.T.T.C., sinh viên năm thứ ba, ngụ Q.10, TPHCM, vừa bị lừa mất ba triệu đồng. Theo đó, vào cuối tháng 5/2022, C. nhận được tin nhắn từ số 0334xxxx656 với nội dung cần tuyển nhân viên làm việc bán thời gian tại nhà với mức lương từ 500.000 – 1.000.000 đồng/ngày. Tin tưởng, C. kết bạn Zalo với “trưởng phòng” thì được hướng dẫn làm công việc thanh toán đơn hàng ảo cho “Tổng kho Lazada”. Mỗi đơn hàng thanh toán thành công, C được hưởng hoa hồng từ 10 – 20%.
“Hằng ngày, trưởng phòng sẽ gửi nhiệm vụ thanh toán các đơn hàng ảo: nước hoa, quần áo, váy, đồng hồ… cho các thành viên trong nhóm. Để thanh toán đơn hàng ảo, nhân viên phải tự bỏ tiền túi ra mua hàng. Sau khi thanh toán thành công, công ty sẽ gửi số tiền đã bỏ ra và hoa hồng vào tài khoản các thành viên” – C. cho biết.
Lo sợ bị lừa, những ngày đầu tiên, C. chỉ nhận nhiệm vụ cho các hóa đơn có giá trị 100.000 – 300.000 đồng. Nhưng những hóa đơn này mang lại lợi nhuận không đáng kể nên sau ba ngày làm việc với nhiều lần nhận hoa hồng thành công, C. quyết định nhận nhiệm vụ cho một hóa đơn có giá trị đến 3 triệu đồng. Nhưng lần này, sau khi thanh toán xong, C. ngồi chờ gần 30 phút vẫn không thấy tiền được hoàn lại như những lần trước. C. nhắn tin hỏi “trưởng phòng” thì được thông báo nhiệm vụ lần này đã bị lỗi. Để khắc phục, nhân viên phải tiếp tục thanh toán thêm các đơn hàng.
“Ba triệu đồng đó em dự định dùng để học thêm Anh văn, nhưng đã bị lừa mất nên em đâu còn tiền tiếp tục thanh toán hóa đơn. Sau nhiều lần trao đổi qua lại, “trưởng phòng” loại em ra khỏi nhóm và chặn luôn số của em” – C. chia sẻ.
Người dân cần đề cao cảnh giác
Một cán bộ Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05) Công an TPHCM cho biết, “việc nhẹ lương cao” là một trò lừa đảo khá phổ biến, đã được cảnh báo nhiều. Nhưng đến nay vẫn có nhiều nạn nhân bị sập bẫy.
Một tin nhắn tuyển dụng “việc nhẹ lương cao” để lừa người dân |
“Con mồi mà đối tượng lừa đảo nhắm tới là những người nhẹ dạ, cả tin, đang có nhu cầu tìm việc làm, đặc biệt là những phụ nữ đang ở nhà, không có việc làm, có nhu cầu bán hàng online để kiếm thêm thu nhập. Với chiêu trò trên, có những đối tượng đã lừa được số tiền lên đến hàng tỷ đồng. Các hành vi chào mời chủ yếu diễn ra trên không gian mạng, đối tượng lừa đảo hầu như đã biết thông tin về nạn nhân” – vị cán bộ Phòng PA05 cho biết.
Công an TPHCM cho biết cũng vừa phát thông báo cảnh báo người dân về chiêu lừa đảo chiếm đoạt tài sản mới xuất hiện để cảnh giác người dân. Các đối tượng đăng tin trên nền tảng mạng xã hội hoặc spam tin nhắn (tin nhắn rác) vào các tài khoản người dùng để chiêu mộ người làm việc trực tuyến “việc nhẹ lương cao” trên các sàn thương mại điện tử.
Khi nạn nhân đã “cắn câu”, các đối tượng sẽ tự xưng là nhân viên tư vấn, tuyển dụng của một công ty nào đó hay giả mạo là nhân viên của sàn thương mại điện tử để yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng sau đó chiếm đoạt tiền.
Ngoài ra, các đối tượng còn dụ dỗ nạn nhân làm nhiệm vụ mua hàng “ảo”. Cụ thể, đối tượng đưa link sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử và chỉ định thanh toán vào một tài khoản, sau đó sẽ được “hoàn tiền kèm hoa hồng”. Ban đầu, băng nhóm lừa đảo hoàn tiền rất sòng phẳng như lời hứa. Nhưng khi số tiền nạn nhân chuyển tăng lên nhiều thì đối tượng sẽ chặn Facebook, Zalo cắt đứt liên lạc để chiếm đoạt tiền.
Công an TPHCM khuyến cáo người dân cảnh giác, không cung cấp những thông tin liên quan đến giấy tờ tùy thân dưới dạng ảnh, file pdf trên không gian mạng vì các thông tin này có thể bị đối tượng lợi dụng để chiếm đoạt các tài khoản điện tử.
Luật sư Nguyễn Tri Đức (Đoàn Luật sư TPHCM) nhận định: “Hành vi lừa đảo tuyển dụng việc nhẹ lương cao của các đối tượng có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015. Tùy theo tính chất mức độ hành vi phạm tội và giá trị tài sản chiếm đoạt mà khung hình phạt tù tối đa của tội này cao nhất là tù chung thân nếu chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng
trở lên”.
Nhiều đối tượng lừa đảo tuyển dụng “việc nhẹ lương cao” bị bắt
– Tháng 6/2022, Công an tỉnh Bắc Giang đã bắt giữ Nguyễn Văn Tình (27 tuổi, ngụ H.Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tình sử dụng chiêu trò tuyển cộng tác viên lương cao để lừa 6.000 người trên khắp cả nước chiếm đoạt hai tỷ đồng.
– Tháng 4/2022, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã đánh sập đường dây lừa đảo chiếm đoạt tiền của những cộng tác viên bán hàng online, triệu tập và bắt giữ hơn 100 nghi phạm để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đường dây lừa đảo do Lê Huy Nhật (28 tuổi, quê Thanh Hóa) và Nguyễn Hữu Hiếu (28 tuổi, quê Thái Bình) cầm đầu. Chỉ tính trong ba tháng đầu năm 2022, có trên 3.000 người bị sập bẫy “việc nhẹ lương cao” của các đối tượng này.
– Tháng 1/2022, Công an tỉnh Hà Tĩnh triệt phá nhóm lừa đảo gồm gần 50 tên do Lê Bá Hải (trú H.Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa) cầm đầu. Bọn chúng đã dùng thủ đoạn tuyển cộng tác viên bán bản vẽ thiết kế để lừa đảo 5.000 người.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/